Đường dây nóng: 0212.3852048 - 02123.799269
Liên kết website
VIDEO
Không có video - Upload lại link
Banner Liên Kết

VÀI NÉT VỀ VĂN CHƯƠNG SƠN LA NĂM 2017

Cập nhật: 02:55:26 28 / 02 / 2018
Lượt xem: 10863

Kiều Duy Khánh

 

VÀI NÉT VỀ VĂN CHƯƠNG SƠN LA NĂM 2017

Nhà văn trẻ Kiều Duy Khánh

          Văn chương cũng giống như mùa vụ. Có năm bội thu, có năm thất bát, đó cũng là chuyện bình thường. Nếu như trồng trọt được mùa hay không còn phụ thuốc vào thời tiết, và nhiều yếu tố khác thì mùa vụ văn chương có gặt hái được những thành công  hay không lại phụ thuộc chủ yếu vào sức sáng tạo, tài năng của nhà văn, người cần mẫn ngày đêm trên cánh đồng chữ nghĩa vốn mênh mông và cô độc.

          Trở lại với văn chương Sơn La năm 2017. Có thể nói rất lâu rồi văn chương Sơn La mới lại có được một mùa bội thu như năm 2017 này. Nhiều tập sách được xuất bản và gây được ấn tượng mạnh đối với cả độc giả của tỉnh cũng như độc giả trong cả nước, bên cạnh những giải thưởng văn học tuy còn ở mức khiêm tốn nhưng đã góp phần quảng bá và văn chương Sơn La hòa chung vào dòng chảy văn chương nước nhà. Xin được đi vào chi tiết đối với từng thể loại như sau:

          1.Truyện ngắn:

          Đầu tiên, xin nói về nhà văn Sa Phong Ba, một nhà văn thuộc hàng lão làng của văn chương Sơn La. Tuy tuổi cao và sức khỏe không còn tốt, nhưng không vì thế mà làm giảm sức sáng tạo của ông. Năm 2017, ông tiếp tục cho xuất bản tập truyện ngắn “ Người rừng ở Pá Lống”, một tập truyện dày dặn và ấn tượng chứng tỏ một sức sáng tạo bền bỉ không mệt mỏi.

          Tác giả Nguyễn Song Hào là cây bút viết chậm mà chắc. Năm 2017, ông có 3 truyện ngắn: “Làm đàn bà khó lắm”(SR số 166), “Cơn mưa có bong bóng”(SR số 167) và “Nghẹn tiếng chuông chùa” (SR số 169). Với giọng kể nhẩn nha pha chất phóng dụ, chi tiết ngồn ngộn, vâm váp, tư tưởng thẳng băng nhưng tạo được sự đằm lắng trong tư duy, ông đang dần định hình được một phong cách viết rất riêng, rất Song Hào. Tập truyện ngắn “Cây đào đá” do nhà xuất bản Hội nhà Văn mới xuất bản trong năm gây được nhiều chú ý trong lòng độc giả đã đánh giấu một quãng thời gian sáng tác đầy sung sức của ông.

          Nói tới Điêu Chính Tới, người ta hay nghĩ tới một cây bút viết ký văn học sắc sảo, tươi mới với những đề tài thời sự nóng hổi  trong đời sống hôm nay. Cuối năm 2017, ông công bố truyện dài “Công viên Đông Xên” (SR 168+169) khá ấn tượng, bất ngờ và hồi hộp. Tuy chưa được đọc toàn bộ truyện dài, nhưng qua hai kỳ in trên Suối Reo có thể nhận thấy Điêu Chính Tới viết truyện hay và hấp dẫn không kém gì khi anh viết ký. “Công Viên Đông Xên” lôi cuốn người đọc bởi lối viết nhuần nhuyễn và sinh động với rất nhiều những chi tiết lạ. Bằng nghệ thuật đồng hiện, đảo trộn giữa huyền thoại và hiện thực, giữa không gian và thời gian, tác giả đã dẫn dụ người đọc đến rất nhiều những chiều kích, cung bậc cảm xúc. Giọng kể vừa nhại cổ tích vừa hiện đại, tác giả đã khiến truyện khá lạ và mới khiến người đọc bị lay động, cuốn hút vào cái không gian đầy huyền ảo, cổ tích.

          Tác giả Trần Nguyên Mỹ viết cả thơ, văn và ký, tản văn. Truyện ngắn “Lập thân”( Báo VN số 54) của tác giả là một truyện ngắn khá ấn tượng. Với lối viết gọn, trằn trọc cùng những tình huống khá bất ngờ, những tình huống thật sự chông chênh như người đi trên dây mà chỉ cần xử lý non tay một chút sẽ khiến truyện ngắn đổ ngay bởi sự hoang đường, khó tin. Nhưng bằng sự tinh tế và khéo léo, biết dừng đúng lúc cần dừng, ông đã giữ được cho câu truyện đứng vững và đi được vào lòng độc giả. Truyện có cái kết đầy nhân văn nhưng không hô hào, cổ động.

          Kiều Duy Khánh vẫn tiếp tục gò gẫm trên con đường tìm kiếm lối viết riêng cho mình. Năm 2017, ngoài những truyện ngắn in trên tạp chí Suối Reo và một số tờ báo, tạp chí lớn như Văn nghệ, Văn nghệ quân đội, văn hóa các dân tộc và nhiều tờ tạp chí văn nghệ địa phương...tác giả cũng đã có một số truyện ngắn được chọn và đưa vào các tập sách như: Tập truyện của các tác giả trẻ: “Nhịp điệu ban mai” do NXB Hội nhà Văn xuất bản( truyện “Con ma của rừng già”, Tập: “Truyện ngắn hay năm 2017” (Với 2 truyện “Chim gọi ngày đã hót” “Gió vẫn thổi giữa rừng”) do NXB Văn Học ấn hành. Tập truyện in riêng thứ 4 “Chim gọi ngày đã hót” do NXB Quân Đội Nhân Dân xuất bản trong năm đã được giải C giải thưởng văn học nghệ thuật hàng năm của Hội VHNT các DTTS Việt Nam là nguồn động viên để tác giả tiếp tục phấn đấu.

          Đinh Ngọc Minh là tác giả trẻ nhưng viết khá già dặn và chững chạc. Anh viết cả thơ, truyện thiếu nhi và truyện cho người lớn. Nếu như ở mảng truyện viết cho thiếu nhi tác giả đã tạo cho mình một lối kể ngộ nghĩnh hồn nhiên nhưng đầy những hồi hộp bất ngờ và kết thúc truyện bao giờ cũng đưa ra một bài học nhẹ nhàng mà sâu sắc ( “Kho báu trong hang đá” – SR số 166; “Những mùa ngô mới” – SR số 169) thì sang mảng truyện viết cho người lớn (Truyện ngắn “Lời hẹn từ phiêng mạ” - VNHB số 12)  anh lại đi sâu vào những chiều sâu tâm lý, những giằng xé nội tâm và cả những âm mưu thủ đoạn của những nhân vật để từ đó dần bóc trần tìm đến cái phần thiện vẫn le lói tận sâu trong cái ác. Truyện có một cái kết đầy tính nhân văn và bất ngờ.

          Tác giả Cát Thảo viết văn từ những năm 2011, nhưng chị mới gửi truyện in ở tạp chí Suối Reo khoảng hai năm nay. Cát Thảo viết cả truyện ngắn, tản văn và thơ. Năm 2017, chị có hai truyện ngắn: “Hồng Nhan”(SR số 165) và “Điều giản dị” (SR số 168). Cả hai truyện ngắn của chị đều viết rất chắc tay và có nghề. Truyện của Cát Thảo là loại truyện gần như không có cốt truyện hoặc nếu có thì cốt truyện cũng không có những cao trào, những xung đột. Viết truyện loại này cực khó, nó như một trò chơi chữ nghĩa. Để dẫn độc giả đi được đến cuối truyện thì tác giả phải thổi vào truyện của mình những con chữ có hồn, có ma lực đầy hấp dẫn. Đáng mừng là cả hai truyện ngắn kể trên tác giả đã làm được điều tưởng như cực kỳ khó khăn đó. Hiện nay Cát Thảo đang dành thời gian cho công việc viết tiểu thuyết. Hi vọng độc giả sớm được đọc tiểu thuyết mới của chị trong thời gian gần đây.

          Tác giả Nguyễn Quốc Cường viết văn từ khá lâu. Trên SR số 166, tác giả có truyện ngắn “Trong rừng thẳm”.Truyện viết về nhân vật A Tâu cùng những người dân hiền lành vì nhẹ dạ cả tin mà bị tay thổ phỉ cáo già A Câu dụ dỗ vượt biên đi tìm vua Mèo với “vương quốc huy hoàng” sung sướng. Nhưng sướng đâu chẳng thấy mà còn bị A Câu lừa hết tiền bạc phải lang thang nơi đất khách quê người, lâm vào cảnh rách đói phải đi lấy trộm ngô của đồng bào ăn sống qua ngày. May gặp được công an nước bạn bắt và trao trả về nước, nhờ sự thuyết phục, vận động của cấp uỷ, chính quyền địa phương, dân bản cắt mỗi nhà một ít đất cho để “dựng tạm túp lều và trồng trọt”. Có cốt để viết một truyện ngắn hay. Tuy nhiên ở truyện này tác giả mới dừng ở việc kể lể khá lộ liễu để thể hiện tư tưởng tuyên truyền, vận động mà xem nhẹ ngôn ngữ, bố cục, nghệ thuật xây dựng truyện. Các chi tiết, tình tiết không được đan gài một cách tinh tế, khéo léo khiến đọc được một nửa đã có thể hình dung ra toàn bộ chủ đề, tư tưởng tác phẩm.

          Ngoài truyện ngắn, không thể không  nhắc đến những tản văn hay trên tạp chí. Ấy là Mai Văn Tý với “bánh củ chuối” đậm hồn quê kiểng; là Na Ly tinh tế, nhẹ nhàng và đậm chất Tây Bắc với “Bức tranh mùa xuân vùng cao”, “Hương lúa thơm”, là Ngô Thành Đạo bâng khuâng với “Mắt phượng” , là Trần Nguyên Mỹ lạc quan với “Đàn cò lại về bản”... Khiến văn chương Sơn La năm thêm mềm mại nhiều màu sắc.

          2. Thơ:

          Cũng như những năm trước, thơ năm nay không có những ồn ào, không có những tranh cãi gay gắt về cách tân, đổi mới. thơ Sơn La vẫn tiến lên với những bước đi vững chắc và đầy lạc quan, tự tin.

          Tạo được ấn tượng nhất trong năm có lẽ là nhà thơ Mai Văn Tý. Năm nay ông xuất bản tập thơ đầu tay “Vân đá” tại nhà xuất bản Hội nhà văn. Tập thơ mỏng, chỉ vỏn vẹn 80 trang với 30 bài thơ, nhưng chất lượng của tập thơ thì không mỏng chút nào. Có thể nói đây là một tập thơ tinh tuyển với những bài thơ hay nhất trong cả một quá trình sáng tác từ khi bắt đầu cầm bút đến nay của Mai Văn Tý.Theo đánh giá của nhà thơ Vương Trọng thì đây là tập thơ “ dễ dàng tìm ra câu hay, khổ hay và cả bài hay”

          Nhà thơ Hà Thu gây ấn tượng với độc giả bởi những bài thơ tình nhẹ nhàng mà sâu lắng. Trong bài thơ “Gốc phượng đợi chờ”(SR số 165) có những câu thơ nghẹn ngào, hờn dỗi. Và ngay cả cái cách dỗi hờn, trách giận của  nhân vật “em” cũng đầy nữ tính:

                                “ Hát lần cuối cùng để rồi chia tay nhau

                                Thôi đành mất những gì em đã mất

                                Hoa vẫn nở vô tư trên mặt đất

                                Nhưng hoa để làm gì khi em chẳng có anh”

          Thơ của nhà thơ Lò Vũ Vân có thể chia ra làm hai mảng, một mảng thơ mạnh về tư duy, trí tuệ, một mảng thơ trữ tình đằm thắm. Đây là những câu thơ trữ tình phóng khoáng, trẻ trung và đậm cái hồn dân tộc trong từng con chữ:

                                “ Ơi

                                Trai lũng bản

                                Gái thung mường

                                Tay nắm tay kết vòng hoa xòe múa

                                Theo nhịp chiêng dẫn đường                  

                                Theo nhịp cồng dẫn lối

                                Co xường cái đang hỡi

                                Giữ mãi làm chi lời vàng, lời bạc?”

                                                        (Vẫn ngọt giọng chiêng – SR số165)

         Tác giả Hoàng Việt Thắng là cây bút càng ngày viết càng khỏe và hay. Câu “Gừng càng già càng cay” thật đúng với trường hợp của ông. Năm 2017 này, ông tiếp tục cho ra đời tập thơ thứ 3 “Dấu chân người lính” do Nhà xuất bản Hội nhà Văn ấn hành. Ngoài tập thơ nói trên, thơ ông vẫn xuất hiện khá đều trên tạp chí Suối Reo. Thơ Hoàng Việt Thắng chân mộc mà lắng sâu, gọn gàng mà lan tỏa. Tác giả luôn tạo cho độc giả sự bất ngờ và làm sáng bừng bài thơ ở câu kết vừa tinh tế vừa đằm:

                                “Tết A Da

                                                Mà anh có được

                                Là em tháng mười

                                                Nụ váy tết A Da…”

                                                                     (Tết A Da – RS 169)

      Tác giả Nguyễn Hồng Minh là người viết khỏe, bài thơ nào của chị cũng để lại chút dư âm trong lòng đọc giả. Thơ Nguyễn Hồng Minh có những câu thơ nghẹn đắng mà sâu sắc, đầy tính chiêm nghiệm:

“Chỉ có một điều em và anh đều biết

Dấu hỏi chỉ hợp thành bởi chính chúng ta thôi”

(Dấu hỏi – SR số 165)

          Tác giả Hoàng Lệ Thủy trong bài thơ “Chỉ riêng em anh nhé”(SR số169) có những câu thơ hờn ghen, nũng nịu rất nhẹ nhàng nữ tính:

“Anh nén lại đi

Đừng để dội lên như thế

Em đã áp sát ngực mình nhưng chẳng thể

Em không muốn đâu

Nhịp tim nào đó cũng rộn theo”

          Tác giả Anh Minh có những câu thơ suy tư và trằn trọc với lối cấu tứ rất Tây:

Ta lại về với nỗi nhớ chơi vơi

Nghe những khát khao bên đời hờn dỗi

Tình em về đâu để ta chờ khắc khoải

Ru những tháng năm chìm khuất bên đời”

                                                                        (Ngày xưa say đắm – SR 165)

          Tác giả Trang Hà nồng nàn, mạnh bạo với những  khát khao rất đời:

“Đưa tay bấu ngực non để thấy trái tim còn đập

Có còn không khao khát thủa ban đầu”

                                                                          (“Cho em một ngày” SR 167)

     Tác giả Trịnh Mỹ Duyên là tác giả viết đều khỏe. Thơ Trịnh Mỹ Duyên từ cách lập ý, lập tứ đến cách dụng ngôn đều theo bút pháp truyền thống với những câu thờ nhuần nhuyễn đẹp và gợi:

“Một mình em chông chênh nhớ đau mùa

Trăn trở lắm những điều chưa nói hết

Hai cánh buồm ngược dòng mơ bến đẹp

Bão bập bùng mang tha thiết vào mây”

                                                                          (Noel buồn – SR169)

Và còn một Phan Thu Hồng bâng khuâng, một Dương Thị Mùi khắc khoải, một Ngô Quang Đức nhuần nhuyễn, một Cao Thành hào hùng, một Hà Ngọc Thẩm giàu chất hội họa, một Châu Ngọc bâng khuâng, một Kiều Thiện lãng mạn, một Nguyễn Văn Lụa hoài cổ và nhiều tác giả khác nữa.

Ngoài thơ phổ thông, cái đặc sắc rất riêng của tạp chí Suối Reo là trang thơ song ngữ với những tác giả tiên tuổi được bạn đọc yêu mến như Lò Xuân Thương, Cà Thị Hoan, Lò Lương Sinh, Cà Văn Cón, Lò Thanh Xuân, Điêu Văn Minh, Sầm Mây, Lường Tộ, Tòng Xôm, Đinh Liên, Đinh Quang Chưởng, Lò Thanh Hoàn…

3. Lý luận phê bình văn học:

Đây là bài viết cảm nhận riêng về văn chương nên tôi xin phép chỉ nói về những tác phẩm viết về nghiên cứu lý luận phê bình văn học, các bài nghiên cứu lý luận phê bình ở các chuyên nghành khác xin phép không nói đến.

Nhìn chung, năm 2017, những tác phẩm viết về nghiên cứu lý luạn phê bình văn học còn mỏng và khiêm tốn, tuy nhiên vẫn có những thành tựu nhất định đáng ghi nhận. Xin đi vào chi tiết:

         Mấy năm gần đây, nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trần Đại Tạo nổi lên như một hiện tượng. Với cái nhìn khách quan, công tâm trên tinh thần đổi mới tư duy phê bình văn học, tác giả luôn quan tâm tới những vấn đề nóng hổi, lật mở đến tận cùng những thành công cũng như những cái hạn chế cần khắc phục của văn học nghệ thuật, văn hóa dân gian của Tỉnh nhà hôm nay. Phong cách phê bình vừa mang tính hàn lâm vừa đậm chất phê bình nghệ sỹ khiến những bài nghiên cứu, phê bình của tác giả vừa mềm mại dễ đọc vừa giúp độc giả có cái nhìn đa chiều và sâu rộng hơn về văn chương, văn hóa, nghệ thuật.

          Năm 2017, tác giả tiếp tục cho ra đời tập tiểu luận phê bình “Rừng biên cương hoa nở” tập 3 do nhà xuất bản Mỹ Thuật ấn hành. Tập sách viết về những vấn đề văn hóa văn nghệ hôm nay và chân dung những văn nghệ sỹ trong tỉnh. “Rừng biên cương hoa nở” tập 3 đã giành giải C giải thưởng hàng năm của Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Như vậy là bộ ba tác phẩm tiểu luận phê bình của ông đều đã giành những giải thưởng lớn ( Tập 1 giải nhất của tỉnh, tập 2 giải khuyết khích của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam) khẳng định được cây bút chủ lực của lý luận, phê bình VHNT Sơn La hôm nay.

          Tác giả Thành Tâm có 3 bài viết khá ấn tượng:” “Dư vị ngọt và đắng trong thơ tình Hà Thu”( SR168), ông viết khá lâu rồi và đã in trên SR cách đây mấy năm nay đọc lại vẫn thấy thú vị. “Phố núi tình yêu khúc ca từ thủa ấy”( SR 164) là những kỉ niệm đẹp, “Nét giản dị chân thành và đằm thắm trong thơ Cầm Thị Phụi” ( SR 169) bằng những lời bình tinh tế và sâu sắc, tác giả đã có những nhận định khách quan từ đó nắm được hết cái hồn trong thơ Cầm Thị Phụi “Đến với thơ Cầm Thị Phụi, ta lại gặp một hồn dung dị, đằm thắm, chân thành, thật gần gũi”

          Tác giả Nguyễn Thị Thúy Hà có bài “Tìm hiểu về tác phẩm một truyền thuyết về ma cà rồng của Sa Phong Ba” đọc được. Tuy nhiên bài viết chủ yếu tóm lược lại nội dung tác phẩm mà ít đi sâu về phong cách nghệ thuật về cái biến ảo trong bố cục truyện và đi sâu vào nghệ thuật xây dựng truyện, nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật...

Trên đây là một số cảm nhận mang tính cá nhân của cá nhân tác giả về văn chương Sơn La năm 2017. Nhớ một câu tục ngữ của người Tày “Có nụ mừng nụ, có hoa mừng hoa”. Thật đáng mừng là văn chương Sơn La năm nay có rất nhiều những bông hoa khoe sắc thắm đón chào một năm mới đầy hi vọng và hứa hẹn./.


THỐNG KÊ
Đang truy cập:3
Hôm nay:48
Hôm qua:263
Trong Tháng:22525
Tổng số: 310150
SMTraffic.com- Phần mềm tăng tương tác dịch vụ trên mạng xã hội | Tư liệu đồ họatư liệu đồ họa