-Ngày mai, mưa gió thế cũng phải bắt chúng nó vào rừng lấy củi, nhà bếp bên này và cả bên dinh công sứ đều hết củi đến nơi rồi. Giọng hắn đanh lại: Bắt chúng nó làm đổ mồ hôi ra mà chết cũng được. Tao không muốn nhìn thấy chúng nó nhởn nhơ chơi thế này! Mày hiểu chứ.
Cai Chức từ tốn: bẩm quan, chúng nó cũng đang đói rúm cả người vào. Không vào rừng, cũng chả có gì đổ vào mồm. Chưa cần hành hạ, chúng nó cũng chết vì đói và đái ra máu rồi. Từ ngày chúng ta xiết chặt quản lý bếp ăn, bớt xén khẩu phần, bắt làm việc cật lực, nhiều thằng khô đét lại, sốt rét chẳng sớm thì muộn cũng chết.
- Mấy thằng người xuôi gian xảo này, mồm mép ngon ngọt mà giết người thì cũng không kém tài cắt cổ tù trốn ngục của mày đâu. Làm thế nào để chúng nó chóng chết thì làm, nhưng đừng để chúng nó tuyệt thực như hôm vừa rồi. Mấy ngày nay, phải cấp thêm cho chúng nó mỗi người 1 bơ nước một ngày, ngài Công sứ không vui đâu. Bắt chúng nó lấy thật nhiều nước đổ đầy các bể, nhưng chỉ cho mỗi thằng dùng 1 bơ một ngày thôi. Để chúng nó uất ức mà chết thì mới tốt. Thôi lui đi, nhớ tiếp tục tăng thêm lính gác đêm nay. Để thằng nào trốn ngục, mày không còn đầu mà về với con vợ đâu.
Khẽ cúi đầu, bước ra khỏi phòng giám ngục, Chức bước chậm rãi, nhớ đến đợt trốn ngục năm ngoái của 2 thằng tù chính trị. Chức phải cắt rừng đi 2 ngày đường và được dân bản mách nước mới bắt được thằng Lý bị thương nằm thở ở gốc cây chay già, Chức cắt phăng cổ đem về nộp lĩnh thưởng 5 tạ muối và 20 đồng bạc. Ngài công sứ trao thường còn vỗ vai khen: làm tốt lắm. Cả nhà đủ muối ăn quanh năm, nhưng hả hê hơn cả là giết bớt được một thằng dưới xuôi, lũ người làm cho gia đình Chức lao đao khốn đốn, lũ người làm cho chức mất cha, mất anh. Chẳng có tí mảy may xót thương nào khi nhìn cái đầu xõa xượi tóc, khuôn mặt gày gò chỉ toàn da bọc xương, đôi môi xám ngoét.
Ngày người Pháp tràn về Sơn La cũng là ngày gia đình Chức nhận tin dữ. Bố và anh trai theo người xuôi đem thuốc phiện, cao hổ xuôi sông Đà về đồng bằng đổi muối, bạc đã bị lừa giết. Mất người thân, cả gia tài cũng đổ vào chỗ hàng đem về xuôi. Tay trắng, nợ nần, Chức đành theo lệnh mộ lính của các quan Tây để giữ lấy ruộng cho vợ nuôi êm. Năm ấy Chức 18 tuổi, xung phong làm lính ở nhà tù Sơn La. Chức biết bọn người xuôi ác, nhưng khi đi lính rồi, qua những câu chuyện các ngài công sứ và giám ngục kể chức thấy bọn người xuôi đi tù không chỉ ác mà còn gian xảo và không nên đến gần. Chức phụng sự người Pháp một cách toàn tâm toàn ý.
Việc nhà không phải lo, người Pháp cấp ruộng đủ cho cả nhà ăn quanh năm, lại cũng bắt cuông nhốc làm cho hết, vợ ở nhà chỉ việc xúc thóc vào bồ mà cất. Ở đồn ăn uống đầy đủ, mỗi lính khố xanh lại được phát sáu bộ quần áo tứ thân đẹp và khá oách cùng những đồ lặt vặt khác nữa. Nhiệm vụ chỉ có đi tuần, giám sát bọn tù khổ sai được đưa từ dưới xuôi lên và một việc nữa làm Chức rất hứng thú: hành hạ cho chúng nó chết đi sống lại: bắt tù đi lấy nước thật xa, đẩy ngược dốc lên đồi Khau Cả về đổ đầy các bể trong nhà tù, rồi dinh công sứ, lấy cả nước cho viên chức tòa sứ dùng. Bắt làm cỏ vê cả ngày chủ nhật… đứa nào chống đối là dùng roi da nện thật lực, hoặc nhốt xuống hầm ca sô, cùm chân.
Cũng nhờ hứng thú ấy và tài hành hạ tù nhân đúng ý quan giám ngục, công sứ mà Chức được đặc cách thăng chức lên Cai nhì, rồi cai nhất, quản lý một đội lính khố 15 người mà không cần qua học hành gì cả…
Tiếng kẻng báo chuẩn bị đổi ca kéo Chức trở về thực tại. Rảo bước tới cổng, 12 tên lính khố xanh đợi đổi gác đã đứng ngồi tào lao ở cổng ngục tự lúc nào. Thấy Chức đến, phía trong ngục, người lính gác cổng vội vàng mở khóa, khệ nệ lôi đống xích sắt ra, cánh cổng sắt to bản, dầy cộp được người lính dồn hết sức mình đẩy vào va phải tường đá vang lên tiếng thuỳnh thuỳnh xua tan bầu không khí tĩnh lặng, u uất đặc quánh của nhà tù. Bọn tù cũng vừa bê cơm trên bếp xuống sân chính, chia phần rồi mỗi thằng ra một góc ngồi ăn. Mấy trăm thằng tù thằng nào cũng xanh xao, hốc hác, yếu ớt, trông ngoan ngoãn, hiền lành là thế, mà cứ sểnh ra là tìm cách vượt ngục. Tường nhà tù xây đá dầy, cao đến 4 mét, rắc đầy mảnh trai và lắp cột thép gai cao thêm 2 mét nữa mà vẫn chưa yên tâm. Vẫn phải tăng cường lính gác và đi tuần 2 lần mỗi đêm. Dẫn toán lính vòng qua đường rông lạo xạo sỏi đá đi tuần, và đổi gác, dặn dò cẩn thận đâu vào đấy, Chức mới lững thững đi về phía nhà công vụ.
Chức đã thấy Đội Hân ngồi đợi sẵn bên mâm cơm. Hôm nay, Đội Mười, Cai Piệng đi vắng cả, còn 2 thằng bạn ăn cơm với nhau. Tặc lưỡi, mưa lạnh này chẳng tắm giặt gì nữa, Chức kéo ghế mây ngồi xuống, "ếp khẩu" đã mở sẵn, mấy kẹp "pa pỉnh" vàng ươm bên bát "chéo" và "nó héo" xào vàng ruộm. Rót chén rượu, chạm nhau rồi dốc cạn một hơi. Đội Hân hỏi: chắc ngài Gabori lại hạ lệnh tăng cường hành hạ tù chính trị hả? Rót tiếp chén rượu từ nậm rượu ngô thơm nồng, Chức không ngẩng lên hỏi: Sao biết?
- Chiều nay, tôi dẫn ông Trần Huy Liệu lên gặp ngài Chánh sứ, cuộc đấu lý xoay quanh việc chia đều ruộng cho dân rồi tăng thuế lên. Ông Liệu cho rằng như vậy cũng vẫn chỉ là tìm cách để bóc lột người dân Việt nhiều hơn mà thôi. Chánh sứ đuối lý không cãi được quát ầm lên, đập bàn, đuổi về ngục. Tôi chắc sẽ lại ra lệnh cho giám ngục trả thù thôi. Sao những người tù ở vào chỗ thua thiệt đủ đường mà vẫn cứng cỏi, gan góc thế không biết? Trong ngục tối bị hành hạ tàn ác, khổ sở, rồi ốm đau, bệnh tật đủ cả, mà thấy họ vẫn điềm nhiên, kiêu hãnh lắm. Đời tôi, mới chỉ thấy những người tù chính trị có cái khí tiết ấy thôi. Tôi có hỏi, họ bảo họ dám làm vì họ có lẽ phải, họ bênh vực chân lý.
-Chân lý gì? Không nhớ cuốn “Mặt nạ cộng sản” mình từng đọc à. Chúng nó làm gì có tình thương, một lũ cướp bóc độc ác cả. “Hoi đâư chăng bấu kin pôông” (Ốc nào ốc chẳng ăn bùn). Chúng nó còn ác hơn người Pháp đấy.
Làm bạn với nhau từ thuở bỡ ngỡ bước chân vào làm lính nhà tù, thân nhau, chia sẻ với nhau nỗi uất ức, cực nhục của thân phân kẻ tôi tớ làm thuê. Hiểu nhau nhưng tính cách và xuất thân khác nhau, rồi con đường tiến thân mỗi người mỗi khác, Đội Hân làm lính trong văn phòng rồi được cử đi học, nhanh nhẹn, tiếp thu tốt nên được cất nhắc lên cai, rồi lên Đội nhì. Đội Hân vì thế điềm đạm, hiểu biết và gần gũi với tù chính trị, lại hay bênh vực chúng chứ không ghét và tìm cách hành hạ tù như Chức. Thành ra, cứ nói đến chuyện trong tù là chỉ được vài câu thông báo tình hình với nhau rồi thôi. Hôm nay cũng vậy, Chức bồi thêm chén rượu nữa, ăn mấy miếng xôi rồi bảo: ngủ sớm, mai cho bọn tù đi lấy củi, tôi tranh thủ về thăm nhà tí.
***
Sáng nay trời tạnh. Nắng đầu thu khẽ rọi xuyên qua tán lá rừng còn đẫm hơi sương không xua đi được cái lành lạnh gai gai của núi rừng ban sớm. Đưa kíp lấy củi vào rừng, Chức gằn giọng: mưa thế chứ mưa nữa chúng mày cũng phải lấy đầy 2 xe củi trước 5 giờ chiều, dinh công sứ và nhà ngục hết củi đến nơi rồi. Chức quay sang dặn mấy người lính khố xanh: chúng mày giám sát chặt vào, đứa nào trốn thì rồi chết cả nhà.
Dặn dò xong, Chức vung vẩy chiếc roi da đi về phía bản Cọ thăm vợ con. Nhà cách Đồn có vài cây số, qua những đồng lúa vàng ươm đang vào mùa gặt. Tranh thủ về sửa lại cái hàng rào khỏi trâu bò húc. Cả nhà đi vắng cả, vợ Chức đã ra ruộng từ sớm giám sát cuông nhốc gặt lúa cho nhà mình, mấy đứa trẻ tranh thủ tạnh ráo vào rừng kiếm củi, bẫy chim. Phục dịch cho người Pháp có cái sướng thế, lương tháng dư dả cả nhà ăn uống, sắm sửa đồ lặt vặt trong nhà. Con cái được đi học, vợ chỉ ở nhà dệt vải, khâu áo. Có ai phải lo nghĩ gì đâu. Năm trước lại được mấy tạ muối ăn không hết, chia cho cả họ ăn cùng. Ấy thế mà êm vẫn không ưng cái bụng. Từ ngày, biết Chức cắt đầu tù chính trị đổi lấy muối và 20 đồng bạc, êm giận. Mặc cho Chức giải thích, bọn chúng là tù nguy hiểm, trốn trại, chúng cùng bọn người xuôi ngày trước giết bố, giết anh, ếm không nghe, chỉ bảo: Mày ác vừa thôi chứ, có nhân quả cả đấy con ạ! Kin mự ní, ngắm hót mự pụk! (ăn hôm nay, phải nghĩ đến ngày mai).
Nhà vắng vẻ! Chức chào, êm chỉ ậm ừ không nói gì, quay ra vấn lại chiếc khăn Piêu rồi đuổi trâu ra đồng. Còn lại mình Chức loay hoay chặt tre, buộc lại cái bờ rào. Nhà sàn quạnh vắng, khói bếp vấn vít bay lên, mấy con khướu ganh nhau hót vọng từ rừng về lảnh lót xa xa.
Xong việc, sang nhà ông chú cơm rượu no say, đến 4h Chức mới loạng choạng vào rừng đón tù. Giờ này, chắc chúng nó cũng tập kết củi về đủ rồi, cũng không lo lắm về khoản trốn trại, gương thằng Lý, thằng Đàm còn sờ sờ ra đấy. “Nước Sơn La, ma Tạ Bú”, nơi rừng cao núi thẳm này, có trốn cũng không thoát, nhất là mưa lũ như này.
Đến nơi thì y hẹn, ở cửa rừng 2 xe củi đã đầy ních, bọn tù còn tranh thủ hái thêm được nào nấm, nào rau dớn, rau bò khai về cải thiện. - Chúng mày hôm nay được bữa ra trò đấy nhỉ. Chức mỉa mai, rồi đếm tù thấy thiếu một người. Chức giật giọng hỏi: - Còn thằng Lâm đâu?
Bọn tù nhìn nhau, một thằng nói: Bẩm ông Cai, lấy củi xong còn sớm, anh em chia nhau kiếm tí thức ăn cải thiện. Lâm đi bẫy gà.
Chức lẩm bẩm, gà mới qué, rồi chúng mày cũng chết vì miếng ăn, chia nhau ra gọi tìm nó về. Đi!
Đám người chia ra các hướng tìm người. Tiếng Lâm ơi!... ơi!…. ngắt quãng đục đục chưa kịp bay lên cao đã bị khói sương cùng những tán rừng dầy rậm rạp kéo ụp xuống. Chừng nửa tiếng vẫn không thấy người đâu, chắc mẩm tù trốn ngục, Chức hốt hoảng tập hợp hết tù nhân lại. Lệnh cho lính dẫn tù và xe củi về, mặt khác chia toán lính còn lại vào sâu trong rừng tìm. Trời bắt đầu mưa sầm sập, nước ào ạt xối thẳng vào mặt rát buốt. Rượu đi đâu hết cả, lòng như lửa đốt, Chức ở ngoài bìa rừng đứng ngồi không yên, mọi phương án chặn bắt đều đã hiện lên trong đầu.
Đến tối tịt, đèn đuốc sáng trưng thì Lâm loạng choạng từ bìa rừng ra, ướt nhép, bê bết bùn đất. Điên tiết, Chức lao vào dùng roi ra quất túi bụi. Miệng không ngừng chửi rủa: Mày tưởng dễ trốn được à, mày giỏi! Mày không sợ chết, mày! Mày tài lắm! mỗi tiếng chủi đứt quãng lại là một cú đá thúc bay mạng sườn Lâm. Cả toán lính xót xa đứng nhìn, chẳng ai hé răng câu nào. Chức đánh đến lúc nóng hết cả người, dừng lại thở dốc thì Lâm đã ngất lịm, mồm bê bết máu. Chức bảo bọn lính: Khiêng nó về, thằng này rồi cho nằm ca sô đến chết.
Về đến Ngục, thì người nhà cũng vừa tới báo tin dữ: con trai Chức đi rừng bị rắn cắn vừa mới được đưa về nhà. Giao vội tù nhân cho gác điêng, Chức chạy ào về nhà, vừa đi vừa nghĩ, hôm nay là ngày gì mà khổ sở thế này. Mưa vẫn không ngớt rơi…
***
- Nếu không xảy ra sự việc ấy, chắc ông cứ chìm đắm mãi trong tội ác, trở thành kẻ không ra gì. Già Chức vuốt chòm râu bạc rung rung trong gió, đôi mắt rưng rưng. Người lính già ngực đầy huân huy chương, đã từng có những tháng ngày làm tay sai cho thực dân Pháp, đánh đập, hành hạ dãn man đồng bào, những đồng chí cách mạng của mình nay đang ngồi kể lại quá khứ với Minh và những đảng viên trẻ vừa được kết nạp dưới gốc cây đào Tô Hiệu. 76 mùa xuân đã qua, giác ngộ cách mạng, trở thành người cộng sản, đánh đuổi thực dân, lập nhiều công trạng, rồi làm lãnh đạo. Nhưng hình như, ông vẫn chưa nguôi day dứt về những ngày tháng mắc sai lầm.
Nheo nheo đôi mắt nhìn cây đào khẳng khiu bên con đường rông năm nào. Già Chức kể tiếp: về đến nhà đã thấy con trai nằm ở một góc sàn. Cả nhà xúm xít bàn tán. Ai cũng bảo gia đình may phúc. Thằng cháu đi cùng con Chức, run rẩy kể lại: Con trai Chức mải đuổi theo con chim mồi tuột bẫy nên bị mắc vào bẫy lợn rừng, gỡ được bẫy ra lết về lại bị ngay rắn độc cắn. Vừa lúc ấy một người tù đi bẫy gà ngang qua. Vứt luôn gà sang một bên, anh ta hút nọc, rồi leo tít xuống dưới vực hái lá thuốc đắp cho, nên mới qua cơn nguy kịch. Thằng cháu về gọi người đến đón thì người tù đã biến mất, chỉ biết anh ta gày gò, một bên tai bị cụt …. Chức ngỡ ngàng, người tù cứu con trai Chức vừa bị đánh đến ngất ngoài bìa rừng. Chính hắn, chính người tù đã từng bị Chức nhốt xuống hầm caso bắt nhịn ăn 3 ngày, bị Gabori xẻo tai vì đứng dậy che đòn cho một bạn tù sốt rét không đi làm cỏ vê được. Chính hắn đã cứu con Chức chứ ai.
Chức sững sờ, như có một cái gì đổ vỡ, chẳng lẽ, những điều lâu nay chức nghĩ về người xuôi đều sai cả, phải chăng họ là người tốt như Đội Hân vẫn kể?
- Sau lần ấy, ông dần thay đổi thái độ và tình cảm với những người tù, ông nhận ra họ đều là người tốt, có mục đích sống cao cả, có hiểu biết. Chính ngày ông cắt đầu người tù bỏ trốn, họ đau đớn, xót xa đồng đội, nhưng không căm hận ông vì hiểu biết hạn chế, lại bị kẻ thù thâm độc che mắt, mua chuộc. Khi có đủ nhận thức và tình yêu thương, người ta đủ sức mạnh để thông cảm với sự kém cỏi của người khác, thay vào đó là lòng yêu, sự thương cảm… Ông dần thông cảm, thương yêu họ hơn, không còn ác cảm với người xuôi nữa. Nhưng phải đến khi quen dần, tiếp xúc nhiều với ông Tô Hiệu thì mới giác ngộ và đi theo cách mạng.
Những lần đưa ông Tô Hiệu ra khỏi Isole phơi nắng mới càng thấy ở họ khí phách, sự quyết tâm và khát khao cách mạng. Năm ấy ông Hiệu chỉ hơn ông có 10 tuổi, nhưng thân hình tiều tụy, những cơn ho như xé tan gan ruột chốc chốc lại bật ra từng cơn, có lần máu tươi phọt ra, ông Hiệu ôm ngực, lau máu rồi tâm sự: chắc cũng không sống được lâu nữa, chỉ hi vọng lúc chết được là người tự do của một nước tự do, chết trên mảnh đất quê hương mình anh Chức ạ!
Vững lòng lên anh Chức! những người như chúng tôi, các anh có thể rơi vào vòng tù tội, bị hành hạ đến chết đi sống lại, thậm chí là chết đấy, nhưng rồi đây con cháu chúng mình không phải chịu cảnh bị bóc lột, ngược đãi, đè nén khổ cực như bây giờ nữa. Mảnh đất này sẽ là mảnh đất tự do, người Thái, người Mường tự canh tác trên cánh đồng của mình, không phải làm nô lệ bị sỉ nhục, đánh đập, hầu hạ cho bất kỳ kẻ thù nào từ xa tới. Con cái các anh sẽ làm chủ nhân quê hương này, sẽ đi đến tận châu Mỹ, châu Âu. Đáng để mơ ước quá phải không anh?
Câu hỏi ấy, ước mơ ấy cứ lớn lên mãi, vượt qua cái không gian nhỏ hẹp hình tam giác vuông vỏn vẹn 4m2 nhốt người tù thuộc diện “đặc biệt nguy hiểm”. Những người tù chính trị ngày ấy đã khai sáng cho ông từ trong ngục tối. Ông dần theo cách mạng, giúp tù nhân khi thì chút dầu đèn, cuộn thuốc lá, giấy để viết tài liệu học tập, tạp chí suối reo, rồi được kết nạp đảng và trở thành người chiến sỹ cách mạng... Năm ông theo cách mạng, cũng là năm cây đào này nở những bông hoa đầu tiên. Mấy chục năm rồi, hoa vẫn thắm,
Thế đấy cháu ạ, mơ ước ngày ấy giờ thành sự thật rồi, các cháu đủ điều kiện đi khắp thế giới. Nhưng làm gì thì làm, đừng quên mảnh đất quê hương máu thịt của mình, bao người đã phải đổ xương máu, gác cả những mơ ước cá nhân để gây dựng, giữ gìn cơ nghiệp chung ấy.
Nắm chặt bàn tay xương xẩu, gầy guộc nhưng rắn chắc của già Chức, Minh khẽ cúi đầu như ghi nhớ từng lời dặn dò của ông cụ. Vinh dự lắm, phấn đấu suốt mấy năm công tác, mới được trở thành đảng viên lại được kết nạp ngay tại nhà tù Sơn La, nơi những hạt giống đỏ đã ươm mầm cho phong trào cách mạng trong toàn tỉnh. Hoạt động trong lĩnh vực du lịch, từ ngày chưa vào đảng, có đến thăm nhà tù đôi lần, song di tích này không để lại gì ấn tượng lắm với Minh, có nhớ rõ nhất là cây đào Tô Hiệu, gắn liền với sức mạnh quật cường và ý chí của người chiến sỹ cộng sản. Hôm nay, đứng giữa khu di tích, dưới gốc đào và những phòng giam này, cảm giác rất thiêng liêng, có cái gì đó như là máu thịt, như là lòng yêu nước lan đi khắp cơ thể.
Người đảng viên trẻ thấy lòng phơi phới, thấy những thành quả phấn đầu của mình thời gian qua chưa phải là cống hiến. Minh mơ hồ nhớ lời người đồng chí dìu dắt anh suốt 1 năm vừa qua: phải tìm cách phát triển du lịch quê mình lên, để Mộc Châu, Sơn La sẽ vươn xa, mọi người cùng biết tới.
Minh nhớ rồi, và tin chắc mình sẽ làm được bằng sức trẻ, bằng thứ ánh sáng vẫn tỏa ra từ nhà ngục hôm nay…/.
Đang truy cập: | 3 |
Hôm nay: | 65 |
Hôm qua: | 263 |
Trong Tháng: | 22542 |
Tổng số: | 310167 |